Kiến thức được nhân đôi khi được chia sẻ

Lục Tổ Huệ Năng dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn là chúng sinh muốn có tâm thanh tịnh thì phải áp dụng ba cái Vô:

1) Vô niệm vi tong: Phàm là con người thì lục căn lúc nào cũng có thể tiếp xúc với sáu trần, nhưng nếu muốn tâm đừng phát sinh vọng tưởng thì cho dù mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương vị, lưỡi nếm mùi vị, thân cảm xúc nóng lạnh hay ý có suy nghĩ gì mà tâm không khởi vọng niệm chạy theo. Nói cách khác thấy thì cái gì cũng thấy mà không thấy cái gì hết, nghe thì nghe tất cả mà như không nghe gì cả… Cảnh vật, âm thanh… cũng như gió thoảng, mây bay có đến rồi lại đi, đừng chấp thủ, giữ lại trong lòng. Con người làm chủ tâm mình thì có an lạc, thanh tịnh Niết bàn, ngược lại nếu tâm làm chủ thì con người làm nô lệ cho vô minh phiền não, thế thôi.

2) Vô tướng vi thể: Tất cả vạn pháp trong thế gian này là từ nhân duyên kết hợp nên chúng không có tự thể nghĩa là vô ngã tức là Không. Khi đã thấu hiểu vạn pháp là giả dối, không thật, nay có mai không thì con người đừng chạy theo sắc trần một các mù quáng làm tâm bất tịnh.

3) Vô trụ vi bổn: Vô trụ là không dính mắc. Vậy không dính mắc cái gì? Sáu trần là những cục nam châm có sức hút rất mãnh liệt làm cho sáu căn mê muội khiến tâm phát sinh vọng tưởng sai lầm làm cho con người sống trong điên đảo khổ đau. Đây chính là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang vậy. Vậy muốn có cuộc sống tự tại an nhàn thì từng giây, từng phút, từng giờ, từng hơi thở con người nên giữ chánh niệm, đừng để tâm buông lung chạy theo tham đắm dục tình.
Ngày xưa Đức Phật Thích Ca khi chưa thành đạo, vào núi tuyết tu sáu năm khổ hạnh tức là Ngài tu sáu căn vậy. Do đó có thành người, thành thánh, thành Bồ-tát, thành Phật cũng do sáu căn. Mà có thành ma, thành ngạ quỷ súc sanh hay bị đọa vào đia ngục A tỳ cũng bởi do sáu căn. Người đời thường vui thích theo ái dục, ưa dong ruổi lục trần, tự lao mình trong lưới buộc như nhện giăng tơ, tuy họ có hướng cầu an lạc, nhưng vẫn bị quanh quẩn trong chốn trầm luân. Chỉ có những ai dứt được sự ràng buộc, sáu căn thường sáng tỏ, thì sẽ xa mọi thống khổ để ngao du tự tại.

Tóm lại, thế gian vũ trụ không có cái gì là phiền não khổ đau cả, chỉ vì tâm chúng sinh duyên với ngoại trần khiến vọng tưởng phát sinh làm tâm bất tịnh. Do đó muốn có cuộc sống an vui tự tại thì mắt thấy sắc đừng bị sắc trói cột, đừng dính với sắc. Tai nghe tiếng đừng để tiếng lôi cuốn, đừng dính nhiễm với tiếng. Mũi ngửi mùi đừng bị mùi trói cột, đừng dính mắc với mùi. Lưỡi nếm đừng bị vị trói buộc, đừng dính mắc với vị. Thân xúc chạm dù cho êm ái nhẹ nhàng vui thích hay thô nhám bực bội cũng không bị dính cột trói, đừng dính mắc với xúc. Ý duyên với pháp trần không bị pháp trần quyến rũ, không dính mắc với pháp trần. Vì thế nếu mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không dính mắc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì phiền não tan biến, Niết bàn hiễn lộ, chân tánh hiện bày. Nên nhớ sự an lạc, tự tại là ở trong nội tâm chớ không phải do ngoại cảnh mà có vì thế người không có sự an lạc bên trong mới chạy đi tìm những sự hạnh phúc giả tạm, hạnh phúc có điều kiện bên ngoài. Nhưng càng tìm kiếm thì họ càng chuốc thêm cho mình những phiền não khổ đau cũng như rượu càng uống, càng say, càng khổ chẳng ích gì.

* Lục căn (sáu căn): Nhãn (mắt), Nhĩ (tai), Tỷ (mũi), Thiệt (lưỡi), Thân (thân thể), Ý (tư tưởng)

(Trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải – Lê Sỹ Minh Tùng)

Comments on: "Đi tìm sự an lạc, tự tại cho tâm của mình" (4)

  1. Nói thì dễ nhưng khó lắm bạn ơi. Tôi thấy có ai được đâu. Nếu trong đời này có ai thực hiện được: căn không liên quan đến thân thì bạn chỉ dùm tôi. Thanks

    • Mình làm được nhiêu hay nhiêu thôi bạn ạ. Buông bỏ thêm một ít thì ta lại có thêm một ít an lạc trong tâm. Núi cao thì leo từng bước một, rồi cũng đến.

      • Sinh nguyễn said:

        Cảm ơn sự hồi đáp của bạn. Nhiều năm tôi cố gắng tìm ra lời giải đáp của bài toán khó này nhưng cũng chưa tìm được lời giải đáp. Hiện giờ chỉ biết sống trọn vẹn với hiện tại, trãi lòng, trãi giác quan để nhận sắc thanh hương vị xúc pháp. Mỗi giây phút chỉ Biết. Và tôi luôn nhờ một câu thiệu trong đầu: Cớ sao lại trốn tránh với cái Đang Là. Bạn biết, trên con đường tìm được kẻ đi như mình cũng khó huống chi tìm được một người đã đến nơi! Chúc bạn dồi dào sức khoẽ để kéo dài thời gian giải quyết bài toán của kiếp nhân sinh.

  2. Mời bạn vào trang web chuabenhdongian.com có thể có lợi ích một chút gì cho bạn

Bình luận về bài viết này