Kiến thức được nhân đôi khi được chia sẻ

Archive for Tháng Một, 2015

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (12): ngày thứ ba: Gaya – Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) (tt)

Dạo khoảng 1 giờ trong khuôn viên đền, chúng tôi ra để đi dạo xung quanh. Kiếm cái để ăn, tạt vào một quán xập xệ bên đường, bán momo (giống bánh xếp có nhân nhà mình). Ngon! Ở Ấn dễ kiếm đồ chay lắm, vì người dân họ ăn chay cũng nhiều. Thực đơn nào cũng có món chay cả. Rồi còn dư thời gian, chúng tôi thuê xe lôi đạp chở chúng tôi qua Sujata Temple (sự tích nàng Sujata dâng sữa cho Đức Phật) cách đó vài km. Cả đi và về chỉ có Rs 100. Quá rẻ cho sức lao động của người dân Ấn nơi này.

Làm và bán bánh momo tại quán ven đường Bồ Đề Đạo Tràng

Làm và bán bánh momo tại quán ven đường Bồ Đề Đạo Tràng

Đến Sujata Temple, gặp mấy cậu thanh niên theo đòi hướng dẫn, rồi dụ chúng tôi thăm trường dạy miễn phí cho trẻ em nghèo… Cái vụ này tôi đã đọc rồi, nên lịch sự nhưng kiên quyết từ chối.

Đi thăm Sujata Temple xong, quay về, chúng tôi ghé 1 quán ăn lề đường, làm 1 dĩa cơm chiên trứng (1 dĩa đủ 02 người ăn) giá 1 đô; và 1 dĩa 08 cái momo giá Rs 40 (0.7 đô). Cũng ngộ 1 điều là xứ Bắc Ấn họ bày bán rau củ ngoài chợ, nhìn rất ngon, nhưng trong thức ăn họ lại cho rất ít rau củ, chẳng đủ cho nhu cầu rau củ của chúng tôi. Thấy họ bày trái cà tím (tròn tròn) nhìn ngon quá, tôi chỉ trái cà, bảo họ xào cho 01 dĩa cà, cũng chỉ Rs 40. Khi tính tiền, tổng cộng là 140 Rs (khoảng hơn 2 đô chút), nhưng họ không có tiền lẻ để thối, trong khi tôi chỉ có 120 Rs tiền lẻ, thế là họ bớt phăng luôn 20 Rs.

Cơm chiên trứng ở quán lề đường Bồ Đề Đạo Tràng, giá $1, 02 người ăn mới hết

Cơm chiên trứng ở quán lề đường Bồ Đề Đạo Tràng, giá $1, 02 người ăn mới hết

IMG_0995

Đây là món momo chay chúng tôi ăn suốt ở Ấn. 1 cái 5 Rs (khoảng 2000 đồng). Dĩa 08 cái giá Rs 40.

IMG_0996

Dĩa cà tím xào, 40 Rs (2/3 đô), xào theo yêu cầu của thực khách, ăn ngon ra phết

Ăn xong, cũng đến giờ hẹn với “giai Ấn”, nên chúng tôi ghé mua mớ quýt, rồi lên xe về Gaya.

Một điều hơi tiếc là dù tôi đã thương lượng với bác tài là khi về, cho chúng tôi ghé Dungeshwari Cave, là hang động nơi Đức Phật tu khổ hạnh ở đó 06 năm, chỉ còn da bọc xương; bác tài ừ ừ, nhưng khi chở chúng tôi về, bác ấy lại chở thẳng về KS. Thế là không được thăm điểm này. Thôi, cũng tùy duyên vậy.

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (11): ngày thứ ba: Gaya – Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) (tt)

Đúng hẹn, chúng tôi lên đường. Xe cộ ở Ấn chạy loạn cả lên, chạy bên trái, nên cứ tưởng xe đối diện đang lao đầu vào mình, nhưng họ thắng và né rất điệu nghệ. Suốt hành trình di chuyển bằng tuk-tuk, taxi, tàu của tôi ở Ấn, tôi chưa thấy 01 tai nạn giao thông nào cả, chỉ có bị “điếc tai” vì tiếng còi, và “điếc mũi” vì bụi.

Chạy cả giờ đồng hồ mới đến được Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi có khoảng 3 giờ tung tăng ở đây. Đầu tiên là vào nơi chính là Mahabodhi Temple. Họ xét giỏ, xét người, không cho đem smartphones, máy ảnh vào khu vực này. Bạn đồng hành của tôi chỉ có mỗi cái Ipad để trong túi xách, cũng bị yêu cầu mang ra ngoài gửi ở khu vực gửi smartphones, máy ảnh. Trong giỏ của tôi có cây dao tôi mua ở Thái, để gọt trái cây, cũng bị họ giữ lại, bảo khi nào trở ra sẽ nhận lại dao. Họ xét giỏ tôi, xét người tôi, nhưng lại không chụp vào túi áo khoác căng phồng của tôi (áo khoác dài ½ đùi) – trong đó có cái máy ảnh du lịch nhỏ. Giữa bụng tôi, bên trong áo khoác là cái túi nhỏ tôi mang bên người, chứa tiền, hộ chiếu, giấy tờ quan trọng, và 01 cái smartphone, 01 cái máy tính bảng. Cô nàng xét người chụp vào bụng tôi hỏi cái gì trong đó, tôi nói “money” (tiền), thế là cô ấy rút tay lại, không hỏi thêm, không yêu cầu tôi cởi áo khoác. Thế là tôi đi lọt với tất cả “đồ nghề”, nhưng mà tôi chỉ sử dụng cái máy ảnh du lịch mà thôi. Nghĩ lại đúng là may mắn, nếu không thì chẳng có tấm ảnh nào ở địa điểm linh thiêng mà chúng tôi thích nhất này.

Vào đền thì phải cởi giày dép, cũng may có vớ để đỡ lạnh chân. Chúng tôi đi lòng vòng, chiêm bái tượng Phật trong đền, rồi cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo (là cây con của cây nguyên thủy), rồi nhặt lá bồ đề rụng… Thấy thật xúc động trong tâm, không biết vì sao.

Đền Mahabodhi, điểm chính của Bồ Đề Đạo Tràng

Đền Mahabodhi, điểm chính của Bồ Đề Đạo Tràng

IMG_0944

Bên trong tháp

 

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (10): ngày thứ ba: Gaya – Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng)

Ngày thứ 3: thứ hai, 29/12/2014. Đến khi báo thức, tôi bắt đầu không ngủ nữa, mà phải canh ga để xuống. Cũng hỏi han nhiều người, cuối cùng cũng xuống được đúng ga Gaya lúc 6 giờ hơn. Trời đầy sương mù. Chúng tôi ngồi chờ đến 8 giờ thì họ mới mở cửa phòng bán vé Tatkal và cho đối tượng đặc biệt (du khách nước ngoài, quân đội, người già, phụ nữ đi một mình…). Vé Tatkal tức vé đi ngay trong 24 giờ, chỉ mở bán lúc 8 giờ sáng của ngày hôm đó. Còn lại các vé khác đã mở bán online trước 60 ngày.

Cũng phải lấy tờ giấy thông tin, điền vào nội dung vé muốn mua. Rồi xếp hàng mua vé. Cuối cùng khoảng 9 giờ tôi cũng mua được vé cho 02 chặng đi còn lại, nhưng không còn vé hạng nhì nữa, mà phải đi sleeper class, tức vé nằm hạng chót. Đọc trên mạng thấy bà con nói hạng sleeper này chen chúc dữ lắm, tôi cũng ớn, nhưng không còn sự lựa chọn, có được vé là may rồi. Chơi luôn!

Giá vé hạng sleeper này cực rẻ. 2 đô cho hành trình 200km; và 3 đô cho hành trình 250km. Tổng cộng 02 chặng cho 02 người chỉ gần 10 đô. Ohlala, tiết kiệm được khối tiền so với phương án thuê xe hơi đi trong trường hợp không mua được vé tàu (vì không có tuyến bus này). Nếu phải thuê ô-tô để đi cho 03 chặng đường này, tổng cộng 950 km, thì tôi phải tốn $350, với vé tàu chỉ có $50, tiết kiệm $300. Đó là vì chặng thứ nhất 500 km tôi mua vé hạng nhì, chứ nếu mua vé sleeper nữa thì chỉ tốn $20 cho 02 người cho 03 chặng đường.

Rất may mắn mua được vé 95% như ý muốn. Thế là nhiệm vụ khó khăn nhất đã hoàn thành. Chúng tôi bắt tuk-tuk về khách sạn. Khách sạn này ở rất gần ga xe lửa. Giá khoảng $22, có nhà vệ sinh riêng trong phòng, không có ăn sáng. Nhìn trên bảng đồ thấy đường vòng vèo nên tôi thuê xe về KS, Rs 100. Thật ra nếu biết đường, đi bộ chừng 200m theo 01 đường thẳng là đến ga.

Tôi thương lượng với bác tài để đi Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) cách đó 13km, đi về, Rs 500, tức chưa được $10, đi 26km, hơn ½ ngày. Hẹn bác ấy 1 giờ sau quay lại KS đón chúng tôi.

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (9): đêm thứ ba: ga tàu

Đêm thứ 3: chủ nhật, 28/12/2014. 6-7 giờ tối tôi rời KS, hỏi tiếp tân thuê taxi ra ga xe lửa, họ hét 600 Rupee, dĩ nhiên là quá đắt. Tôi không đồng ý và tự bước ra cửa KS, tự thương lượng giá với taxi, cuối cùng đi với giá 150 Rupee.

Đến ga xe lửa, người ta nằm, ngồi la liệt khắp sân ga. Chúng tôi cũng kiếm một chỗ để ngồi bệt xuống nền, và chờ. Đây là trải nghiệm chuyến xe lửa đầu tiên ở Ấn. Tôi cứ trông ngóng trên bảng điện mà không thấy mã số chuyến tàu của tôi hiện trên đó, trong khi đó những chuyến tàu khởi hành sau đó mà lại có hiển thị trên bảng điện. Còn khoảng 1 giờ trước giờ khởi hành, tức đã ngồi chờ và ngóng bảng điện đã 2 tiếng, tôi phải đi hỏi thông tin thôi. Tôi hỏi 1 anh chàng bảo vệ, anh xem vé của tôi rồi nói thông thường chuyến tàu này ở đường ray số 9, nhưng không chắc vì có thể sẽ đổi đường ray. Còn 30 phút nữa khởi hành, cũng chẳng thấy hiện thông tin đường ray của chuyến tàu này trên bảng điện, tôi đi thẳng ra đường ray (platform) số 9, kiếm khách đang đợi tàu để hỏi. Gặp 02 cô bé, tôi bắt chuyện “Xin lỗi, em có nói tiếng Anh không?” cô bé 17 tuổi gật đầu. Thế là tôi hỏi đây có phải là đường ray cho chuyến tàu mã số xxxxx đi Gaya không? Đúng, và 02 cô bé cùng gia đình cũng đi tàu này, nhưng không phải Gaya (vì Gaya là điểm ngừng giữa đường). Thế là chúng tôi “bám theo” 02 cô bé này, nói chuyện trên trời dưới đất. Cô bé giới thiệu người thân đi cùng với chúng tôi. Rồi khi tàu đến, họ giúp chúng tôi tìm ra đúng toa (họ khác toa với chúng tôi). Xác định được toa, bước lên, tìm số giường… cũng dễ dàng. Đây là toa giường nằm hạng 2, giường 02 tầng thôi, rộng, có sẵn ra giường, gối, mền. Gồm 06 giường trong 01 “ô”, bố trí theo hình chữ U với 02 tầng.

Ở sân ga cũng có Drinking Water để ta hứng vào chai, khỏi tốn tiền mua nước, dù giá nước cũng không mắc, 15-20 Rs cho một chai 1 lít, tính ra khoảng 5 – 7 ngàn đồng VN.

Yên vị trên giường tầng xong, tôi tranh thủ “ngoại giao” anh chàng nằm giường dưới đối diện, để mong có người chỉ dùm đúng ga Gaya mà xuống, vì tàu ngừng không có loa thông báo ga nào đâu. Anh chàng này cũng nhiệt tình, nhưng anh ta xuống trước tôi vài giờ. Anh ấy nói “Yên tâm đi, tôi sẽ gửi cô cho người soát vé tàu để nhắc cô xuống đúng ga Gaya”.

Tôi canh giờ, theo giờ trên vé thì 5:20 sáng sẽ đến Gaya, tôi để báo thức 4:30 sáng. Và yên tâm ngủ phà phà trong cái lạnh 8-10 độ, với vài cái áo, vài cái quần, áo lạnh, và chui trong túi ngủ.

Chúng tôi có mang theo túi ngủ mùa thu, không quá dày để gọn và nhẹ. Và thật sự cái túi ngủ này rất hữu dụng khi ta ngủ trên tàu, hay ở KS mà chất lượng kém. Túi ngủ Windtrip của VN, mua 395.000 đồng/cái.

Ga Howrah ở Kolkata

Ga Howrah ở Kolkata

IMG_0936

Giường trên, hạng nhì, có cung cấp ra giường, gối, mền. Giường 2 tầng nên thoải mái độ cao.

 

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (8): ngày thứ hai: Kolkata (tt)

Có xong vé tàu, chúng tôi đi tuk-tuk về KS, có bạn TQ đi cùng, vì bạn này chưa đặt KS, tôi dẫn luôn về KS của tôi để bạn ấy thuê phòng. Nghỉ ngơi chợp mắt chút rồi chúng tôi lang thang ra phố, KS cũng ở ngay khu Tây balo, nên buôn bán nhộn nhịp. Tại đây, tôi đổi thêm 100 Euro với tỷ giá rất cạnh tranh. Rồi vào một “nhà hàng” (gọi là nhà hàng – restaurant, nhưng thật ra là một quán ăn nhỏ tươm tất thôi), gọi món hot soup, cơm chiên trứng, súp nấm rơm, chai nước suối 1 lít. Tổng cộng 02 người ăn cũng khoảng 6-7 đô. Chúng tôi mua thêm đồ ăn: táo (rất nhiều, và ngon) với giá 100 Rs/kg (tôi biết là mắc, nhưng cũng không trả giá, sau đó qua Gaya mua chỉ 60 Rs/kg), quýt… để mang theo ăn. Đi bụi rất cần ăn trái cây, ăn rau xanh để có sức.

Món cơm chiên trứng, và món súp rau củ

Món cơm chiên trứng, và món súp rau củ

Không có tham quan điểm du lịch nào khác ở Kolkata, chúng tôi về phòng tranh thủ nghỉ để 6-7 giờ tối sẽ ra ga, dù chuyến tàu của chúng tôi khởi hành lúc 10 giờ tối. Lý do: sợ không dám đi ngoài đường khi trời quá tối, thà ra ga ngồi chờ cho an toàn.

Nói chung mức giá ở Bắc Ấn rất dễ chịu. Tôi đặt phòng ở khu Tây balo (Sudder Street) ở Kolkata chỉ với $15 cho 02 người, có nhà vệ sinh riêng trong phòng. Ăn: nếu ăn bụi ngoài đường thì càng rẻ, còn ăn quán cho du khách thì cũng chỉ 3-4 đô/người. Dĩa cơm chiên trứng rất nhiều, kêu 01 dĩa 02 người ăn no. Đi lại vài km thì tuk-tuk cứ Rs 100 (chưa đến 2 đô). Đó là tôi đã không “kiên quyết” trả giá, vì đã thấy quá rẻ.

Ở Kolkata thấy nhiều xe kéo do người kéo, tôi không thử xe này, vì không muốn trải nghiệm ngồi trên xe cho người đàn ông ốm yếu, già cả nai lưng ra kéo mình.

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (7): ngày thứ hai: Kolkata (tt)

Vào phòng tranh thủ việc riêng, chợp mắt chút rồi 8h30 sáng chúng tôi phải tranh thủ ra ga xe lửa để mua vé cho chặng đi Kolkata – Gaya gần 500km. Đi xe tuk-tuk ra ga, vài km, Rs 100. Ra đó đi hỏi lòng vòng mãi mới được chỉ đến chỗ bán vé xe lửa cho du khách nước ngoài ở Fairlie Place (đối diện ga xe lửa, cách một con sông, có thể đi phà qua), tôi đi tuk-tuk qua đó lại Rs 100.

Qua đến đó, văn phòng chưa mở cửa (10 giờ mới mở) nhưng đã thấy chừng 20 du khách đứng ở đó. Có một người đàn ông cầm giấy ghi tên mọi người, tôi cũng chen vào ghi danh, số thứ tự 21. Trong quá trình đứng xếp hàng chờ văn phòng mở cửa, tôi “xã giao” với 01 chú đứng tuổi người Nhật đi bụi 01 mình, và 01 em trai Trung Quốc cũng đi bụi 01 mình, 02 người này cũng muốn mua vé xe lửa đến Gaya là nơi tôi đang muốn đến. Ngoài ra, cũng có vài bạn nam thanh niên Bangladesh bắt chuyện hỏi thăm, vì trong nhóm đông đó chỉ có 02 chúng tôi là phụ nữ Đông Nam Á. Cũng có vài người không bắt chuyện nhưng tò mò nhìn chăm chăm, nhìn lộ liễu. Qua đó vài giờ là chúng tôi phải quen với những cái nhìn như thế, chỉ là họ tò mò nhìn thôi.

Một “chú em” 24 tuổi người Bangladesh chủ động bắt chuyện và nói chuyện khá lâu với tôi. Chúng tôi đều có điểm chung là “du khách nước ngoài” tại đây. Nói chuyện một hồi cậu em này hỏi “Chị có chồng chưa?” tôi gật đầu “Ồ, có rồi chứ!” (dù tôi chưa có), thế là chú em gật đầu hài lòng, có vẻ chú ấy nghĩ “phải thế chứ”, hahaha. Rồi chú ấy hỏi tiếp “Thế chồng chị không đi cùng à?” tôi cười nói “Không, anh ấy bận đi làm rồi. Anh ấy phải đi làm để kiếm tiền… cho tôi đi du lịch”. Haha, cả bọn cùng cười. Hihih, nếu sự thật được như thế thì cũng đỡ cho tôi quá đi chứ J

10 giờ, văn phòng mở cửa, chúng tôi được phát tờ giấy có đánh số, để điền yêu cầu vé, rồi ngồi chờ. Ngồi chờ và tám với cu cậu Trung Quốc ngồi kế. Rồi cũng đến lượt tôi. Kỳ này tôi hơi “ngu” chút vì chỉ mua 01 chặng vé Kolkata – Gaya mà không mua luôn Gaya – Varanasi, và Varanasi – Gorakhpur. May mắn, tôi cũng có được vé với lịch trình như mình muốn, và hạng toa như mình muốn (hạng nhì, giường nằm) – đó là 02 vé cuối cùng của chuyến tàu này. Bạn Nhật và bạn TQ kia phải đi giờ khác, ngày khác. 02 vé nằm hạng 2 cho hành trình 500km với giá tổng cộng khoảng 35 đô. Thời điểm này, tôi vẫn “ớn” đi hạng sleeper vì nghe trên mạng các bạn đã đi nói là chen lấn không lại mấy bạn Ấn đâu. Nhưng sau đó, 02 chuyến tàu sau tôi chỉ mua được vé sleeper, và đã trải nghiệm, cũng ngon lành, lại giá quá rẻ, nên tôi khuyên bạn đi bụi cứ mua sleeper cho rẻ, chịu cực chút xíu thôi vì giường nằm 03 tầng, bề cao hơi hạn chế.

Ngồi chờ mua vé tàu ở văn phòng bán vé tàu cho du khách nước ngoài

Ngồi chờ mua vé tàu ở văn phòng bán vé tàu cho du khách nước ngoài

IMG_0921

Vé tàu Kolkata – Gaya

 

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (6): ngày thứ hai: Kolkata

Ngày thứ 2: chủ nhật, 28/12/2014. Xong xuôi visa thì khoảng 4 giờ sáng ở Ấn. 02 cái balo hành lý gửi (vì Indigo tự động cho 15kg hành lý gửi, nên tội gì không gửi cho nhẹ người) của chúng tôi bơ vơ trên băng chuyền, được mấy anh nhân viên xách lên lầu tận chỗ chúng tôi đang chờ cấp visa luôn. Hihih, thật tuyệt cho dịch vụ!

À, còn vụ đổi tiền Ấn ở sân bay Kolkata, bắt buộc phải đổi để đóng phí visa bằng Indian Rupee và có tiền đi taxi về khách sạn. 100 đô không đủ để đóng phí 02 visa, nên tôi đổi 200 đô, tỷ giá 59 mấy, chưa được 60, trong khi ra phố khu tây ba lô (Sudder Street) thì được gần 64. Lại bị đóng phí dịch vụ khoảng 250 Rs (hơn 4 đô), lãng xẹt! Vụ đổi tiền này làm mất của tôi khoảng 1000 Rs (hơn $15). Nhưng không còn cách nào khác.

Xong xuôi, chúng tôi ngồi băng ghế ngủ gà ngủ gật chờ sáng. Trời lạnh khoảng 10 độ hoặc thấp hơn. Tôi có cái nhiệt kế du lịch treo lủng lẳng trên balo nên theo dõi nhiệt độ rất tiện và thường xuyên.

6 giờ sáng hơn, thấy có vẻ OK, tôi mua vé taxi trả trước về KS ở khu Tây balo. Giá là 270 Rs, khoảng 4,5 đô. Đúng giá. Mức giá taxi ở Kolkata ở thời điểm cuối năm 2014 khoảng 15Rs/km. Tỷ giá là khoảng 64 Rs đổi 1 USD.

Về đến KS không quá khó khăn. Nhưng KS hết phòng, chúng tôi phải ngồi ở sảnh để chờ, trong khi chỉ muốn được nằm. Về nguyên tắc, giờ check-in là 12 giờ, còn hiện lúc đó chỉ mới 7 giờ sáng. Đành chịu. Ngồi chờ.

Ngồi chờ, và cầu nguyện ơn trên phù hộ cho sớm có khách trả phòng để chúng tôi có phòng. Chỉ khoảng 30 phút sau có khách trả phòng thật, và họ dọn dẹp rác trong phòng chừng 15 phút rồi cho chúng tôi vào phòng. Phòng chúng tôi đặt có giá $15, có nhà vệ sinh riêng trong phòng, không máy lạnh (vì chúng tôi đâu cần máy lạnh trong cái lạnh khoảng 10 độ này), không ăn sáng. Nói chung là chất lượng phòng thấy “ẹ”, nhưng chúng tôi đi bụi nên cũng chẳng cần cao sang gì, chỉ cần nơi nằm và vệ sinh. Ra giường và mền chẳng được thay, chắc cũng lâu lắm rồi chẳng được giặt. Nhưng không sao, chúng tôi có túi ngủ, cứ trải túi ngủ trên giường rồi chui vào là sạch sẽ, ấm áp thôi. Trong hầu hết các phòng giá rẻ ở Ấn Độ đều không có thùng rác trong phòng, và cả trong toilet. Chúng tôi đều phải dùng túi nylon mang theo hay để dành lại khi mua đồ, để đựng rác trong phòng.

Phòng nghỉ $15 ở Kolkata, khu Tây balo

Phòng nghỉ $15 ở Kolkata, khu Tây balo

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (5): đêm thứ hai: bay sang Ấn

Đêm thứ hai: thứ 7, 27/12/2014. Ngồi ngủ gục, vật vờ ở sân bay Suvarnabhumi từ 9 đến 11 giờ đêm, rồi check-in với Indigo Airlines (www.goindigo.in) để bay sang Kolkata. Vé máy bay $165/người bao gồm cả phí đặt chỗ ngồi, đồ ăn trên máy bay.

Giờ Thái bằng với giờ VN. Giờ Ấn chậm hơn VN 90 phút. Có nghĩa là nếu 9 giờ sáng ở VN thì là 7:30 sáng ở Ấn. Đến Kolkata là khoảng 3 giờ sáng. Xin on-arrival visa ở ngay sân bay.

Về việc xin on-arrival visa ở sân bay Kolkata, đầu tháng 12/2014 họ đã triển khai dịch vụ xin visa online, và đã ngưng cấp on-arrival visa ở sân bay. Tuy nhiên, họ vẫn xử lý cho trường hợp của tôi. Mất khoảng 01 giờ cho thủ tục này, đóng phí $60/visa. Với on-arrival visa này, tôi chỉ có thể vào Ấn 02 lần trong năm, và lần 2 cách lần 1 từ 02 tháng trở lên, và đây là single-entry visa, tức chỉ được vào Ấn 01 lần cho visa này.

Kolkata, khu Tây balo (Sudder Street) với xe người kéo

Kolkata, khu Tây balo (Sudder Street) với xe người kéo

(mời bạn xem bài kế tiếp)

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (4): ngày thứ nhất: Bangkok – Safari World

Ngày thứ nhất: thứ 7, 27/12/2014, sáng 8 giờ thức, tắm rửa, và ăn sáng bằng đồ ăn mang theo, vì đặt KS này không bao gồm ăn sáng, giá khoảng $20. Tôi mang theo chỉ 02 gói mì gói, và dăm cái tô nhựa dùng rồi bỏ. Xin nước nóng xử 01 gói mì. Rồi lên đường đi sân bay Suvarnabhumi, gửi hành lý (100 baht/túi/ngày), rồi đi taxi đến Safari World. 02 chặng đường này tốn cả 1000 baht (hơn $30), đó không phải là chặng đường thông minh, tôi có thể gửi hành lý ở KS hay ra sân bay Don Muong gửi hành lý, vì Safari World ở gần khu vực này, nếu thế sẽ tiết kiệm được 600-700 baht.

Đến Safari World khoảng 11 giờ trưa, mua vé 1200 baht/người (~ $35), vào xem các shows (biểu diễn) xiếc voi, xiếc cá heo, xiếc hải cẩu (còn nhiều show diễn khác, theo giờ), và 01 vòng đi bus trong khu sở thú không chuồng: thú thả rông, chỉ có con người bị nhốt trong chuồng là ngồi trên xe buýt 🙂

Safari World thì tôi đã đến 01 lần hồi năm 2000 hay 2001 gì đó, nay có dịp trở lại sau 13-14 năm. Kỳ này đi Safari World trải nghiệm lần đầu trong đời sờ vào vòi con voi, và sờ đầu hươu cao cổ, đặc biệt là hươu cao cổ – nhìn mắt chúng rất hiền lành.

Qua Thái đợt này thấy dân Ấn bên này (hoặc du lịch bên này) rất đông.

Chơi đến khoảng 5 giờ chiều thì đi taxi về Future Park là siêu thị ở khu Rangsit, để ăn tối, và mua vài món mang theo, trong đó có 01 món lương thực cho tôi trong những ngày đi bụi đất Ấn và Nepal, đó là món khô cá ăn liền, một túi to tổ tướng, ăn không hết còn mang về VN ăn tiếp.

Khoảng 8 giờ tối xong xuôi ở Future Park, cũng đuối cả ngày rồi, đi taxi về sân bay Suvarnabhumi cũng khoảng 400 baht. Đến sân bay, lấy hành lý, ngồi ngủ gục giết thời gian, đến 11 giờ đêm làm thủ tục check-in để bay chuyến 2 giờ sáng sang Kolkata (tên cũ là Calcutta – thành phố lớn thứ 2 của Ấn) với hãng hàng không Indigo của Ấn.

Ở sân bay có các vòi nước uống (Drinking Water), ta giữ chai nước để hứng uống, khỏi tốn tiền mua chai nước mới. Ở sân bay này, tôi đã phải mua 01 chai nước ½ lít ở quầy Fast Food với giá 80 baht, khoảng 55 nghìn đồng VN.

Tổng chi phí cho 01 ngày đêm ăn chơi ở Thái cho 02 người hết $190. Có thể tiết kiệm nhiều hơn nhiều nếu không đi taxi mà đi bus kết nối 02 sân bay, không lên tận sân bay Suvarnabhumi gửi hành lý, không đi Safari World chơi: tiết kiệm được cả trăm dollar đấy!

Người xem đông nghịt, rất nhiều người Ấn

Người xem đông nghịt, rất nhiều người Ấn

Hành trình 8 ngày đêm viếng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ và Nepal (3): đêm thứ nhất: Bangkok

Đêm thứ nhất: 7g tối ngày thứ 6, 26/12/2014: hẹn bạn đồng hành ở sân bay TSN, chuyến đi bụi của 02 người phụ nữ… biết sợ nhưng vẫn liều bắt đầu. Làm thủ tục cần thiết để bay chuyến bay lúc 21:35 sang Bangkok, sân bay Don Muong (vì bay với Air Asia), giá vé USD 85/người. Đến sân bay Don Muong của Bangkok lúc 23:00. Phải xếp hàng đón taxi, đông khách kinh khủng, mà ít taxi hay sao ấy. Trong đời tôi đi bụi đã 15 nước (chưa tính Ấn Độ và Nepal), đi Thái 5-7 lần cũng chưa từng thấy cảnh xếp hàng đi taxi dài như thế. Đợi hơn nửa tiếng mới đến lượt mình. Khó khăn đầu tiên giữa đêm khuya: bác tài taxi không biết địa chỉ khách sạn tôi đã đặt (và trả tiền) qua Agoda, dù tôi đưa tờ giấy có địa chỉ khách sạn, có số điện thoại của KS, và bản đồ vị trí KS. Sau cùng, bác tài cũng gọi được cho KS, và cũng đưa 2 chúng tôi đến được KS, cũng đã qua ngày mới rồi. Ngủ thôi, còn chuyện gì thì… để mai tính

À, còn một chuyện hơi “giật thót mình” là chỗ đổi tiền ở sân bay Don Mường không chấp nhận đổi tờ 100 đô Mỹ kiểu cũ, mà chỉ chấp nhận đổi tờ kiểu mới. Tôi thì chỉ mang theo loại tiền 100 đô Mỹ kiểu cũ, cũng may có mang theo Euro, và đổi 100 Euro ở sân bay Don Muong để có tiền mà trả taxi.

Xếp hàng rồng rắn chờ taxi

Xếp hàng rồng rắn chờ taxi