Kiến thức được nhân đôi khi được chia sẻ

Mời bạn qua xem blog http://saigontre.wordpress.com. Tôi không đăng bài mới trên blog này nữa, mà chỉ đăng bài mới trên Saigontre.Wordpress.com mà thôi.

Các chủ đề: DU LỊCH BỤI của chính tôi; TỬ VI – ĐÁ PHONG THỦY – TÂM LINH & ĐẠO; SỨC KHỎE & ĐÔNG Y; SỐNG HẠNH PHÚC; BÀI HAY…

Trân trọng cảm ơn!

Sáng 5 giờ thức, 5g30 trả phòng, không ăn sáng vì chỉ có bánh mì lát và mứt, bơ – ăn không nổi. Kêu taxi ra sân bay Don Muong – chỉ khoảng 10 phút. Đến nơi, vào xếp hàng làm thủ tục Air Asia là 5h45, giờ đóng cổng boarding là 7:25, giờ bay là 7:45. Đông người quá chừng, miệt mài chờ làm thủ tục vé, xong rồi phải xếp hàng qua passport control, rồi lại xếp hàng để security checking. Xong, đến được cổng boarding là 7:20 phút, nhưng họ chưa cho boarding, họ nói là boarding trễ chút. Vừa quay lưng định đi toilet thì nghe loa thông báo đến giờ boarding chuyến bay của mình, bèn quay lại lên máy bay luôn. Kỷ lục trong đời, vì thường thì tôi đi sớm, ngồi chờ cả giờ để boarding.

Đông nghẹt người check-in Air Asia ngày mùng 4 ở sân bay Don Muong

Đông nghẹt người check-in Air Asia ngày mùng 4 ở sân bay Don Muong

Rồi máy bay cũng cất cánh, không trễ bao nhiêu so với giờ đã định. Về đến sân bay TSN – Tp.HCM thấy đông nghẹt người đi đón người thân. Mùng 4 Tết. Kết thúc hành trình đi Myanmar và Thái 09 ngày, vui, thuận lợi.

Tổng kết

  1. Đi Myanmar không mắc: trừ tiền mua đồ ra, kinh phí đi bụi chuyến này (vé máy bay, khách sạn, đi lại, ăn uống) hết khoảng 750 đô/người, 15-16 triệu đồng.
  2. Người Myanmar hiền lành, thật thà: ở bên đó mà cứ cảm giác như đang ở nhà, rất yên tâm, không phải lo căng thẳng tránh bị lừa vì mình là du khách. Thích vụ này. Nói thật, ở VN nhiều khi đi du lịch mà không có được cảm giác như thế.
  3. Mua đá và trang sức bạc ở Myanmar quá đã: mê luôn, dù tôi nào giờ không phải là tín đồ mua sắm vụ làm đẹp này. Tốn cỡ $400 cho đá và bạc, kỷ lục nào giờ.
  4. Điện cúp thường
  5. Xe bus đêm chất lượng cao rất OK
  6. Chùa chiền có kiến trúc lạ, đẹp: có hành lang dài, lên dốc để đi vào chùa, dọc hành lang hay có nhiều quầy bán đồ lưu niệm.

Đi về cứ tiếc sao không mua nhiều đồ hơn. 02 chuyến đi rồi đều có cảm giác đó! Vì khi đi đã chi nhiều, nên chi thêm hơi “đau lòng”, đó là tâm lý thôi.

Rút ra thêm một quyết định: không đi chơi dài ngày ở nước ngoài trong mùa nóng và mùa mưa, chỉ đi vào mùa Đông và Xuân (tháng 11 đến 2 hàng năm).

Hết!

Sáng thức dậy, ăn sáng buffet ở KS. Đây là KS “ngon” nhất ở Myanmar, dù giá rẻ hơn KS ở Yangon. Tôi ở 04 KS ở Myanmar: Yangon, Bagan, Nyaungshwe (gần hồ Inle), và Mandalay, không KS nào dưới $30/đêm, mắc nhất là ở Yangon đến $44/đêm nhưng chất lượng ngon nhất là ở Mandalay với $36/đêm.

Có nhiều món ăn sáng: kiểu Tàu, kiểu Tây, kiểu Myanmar. Tại đây, tôi thưởng thức lại món cháo trắng nấu loãng ăn với trứng vịt muối và cải khô. Trời ơi, ngon làm sao!

Ăn xong, check-out. Cậu taxi đã chờ sẵn bên ngoài. 30 km để đến sân bay quốc tế Mandalay, chạy xe cũng mất 45 phút. Đến nơi, họ không cho vào, phải sát giờ mới được vào. Thủ tục hải quan ở Myanmar cũng đơn giản. Điều đặc biệt là ở sân bay Mandalay, quầy làm thủ tục vé máy bay không có một cái computer nào, boarding card đã được in trước, nhân viên dò tên/mã theo danh sách in sẵn. Đang làm cho tôi thì “bụp” – cúp điện, tôi nhanh tay lấy cái ĐTDĐ của mình ra, bật đèn chiếu cho nhân viên hoàn thành công việc 🙂 Mắc cười chưa!

Sau đó vào phòng đợi boarding, nhiều chuyến bay cùng ngồi chung phòng, đến giờ của chuyến nào thì có nhân viên đi và “rao” là chuyến XYZ boarding. Và xe bus đưa ra sân bay là chiếc xe bus dạng chạy ngoài phố, chứ không phải xe bus chuyên dụng chở khách trong sân bay.

Myanmar (Yangon) đón chúng tôi bằng màn cúp điện ở sân bay, và tiễn chúng tôi cũng bằng mấy màn cúp điện ở sân bay Mandalay!

Bay đến Don Muong – Bangkok là 3 giờ chiều. Xếp hàng chờ qua Passport Control, lại xếp hàng chờ taxi. Ghét cái màn xếp hàng chờ mỏi mệt ở sân bay Thái.

Đi taxi về KS ở gần đó, check-in xong vội vã bỏ đồ ra khỏi túi để mang túi trống đi siêu thị Future Park ở gần đó. Không để ý nên bỏ lại KS tờ giấy in địa chỉ KS và cả chữ Thái ghi địa chỉ và số ĐT của ông chủ KS mà tôi đã nhờ ông ấy ghi vào. Xe chạy một quãng xa, gần đến siêu thị rồi tôi mới nhớ, và kêu tài xế quay lại KS – khổ nổi anh chàng này không hiểu tôi nói gì, mặc tôi cứ nói, anh chàng nhỏ nhẹ biểu tôi nói tiếng Thái đi, tiếng Anh anh í không hiểu. Mà tôi có nói gì cao siêu lắm đâu, tôi chỉ nói “Go back! Go hotel”. Căng thẳng quá, không có tờ giấy địa chỉ KS thì chỉ có anh chàng tài xế này mới biết KS của tôi ở chỗ nào. Chợt nhớ vài từ tiếng Thái, tôi nói “Pai hotel” (pai tiếng Thái có nghĩa là đi), anh chàng hiểu ra ngay, đưa tôi quay về KS để lấy tờ giấy. Thế là mất thêm 200 baht (khoảng $7) và 01 giờ hơn. Lại quay lại siêu thị. Đây là siêu thị mà cách đây 15 năm khi đi học ở AIT tôi đến thường xuyên.

Vào đến siêu thị thì đi ăn trước tiên. Rồi bắt đầu lượn lờ trong siêu thị, cũng mua được 05 món áo quần và ít món đồ ăn. Rồi về. Tắm rửa, online, và ngủ để mai thức sớm bay chuyến bay sớm về VN.

(còn tiếp)

Ngủ thẳng cẳng, sáng lại tự ăn sáng trong phòng bằng mì gói, có ấm điện để nấu nước trong phòng. Ăn xong chúng tôi đi chơi, đi bộ chút nhắm đi không nổi nên kêu taxi, đi đến cung điện hoàng gia ở Mandalay, không mua vé vào xem vì vé $10/người. Chỉ chụp hình bên ngoài. Rồi kêu taxi đi tiếp 2 cái chùa, trong đó có chùa Kuthodaw có hơn 800 tảng đá cẩm thạch khắc kinh Phật trưng bày mỗi tảng trong 01 cái “đền” nho nhỏ. Rồi chạy xe lên đỉnh đồi Mandalay ngắm cảnh, viếng chùa. Kiến trúc chùa ở đây rất lạ, đẹp, cứ như mê cung. Tổng tiền taxi cho 03 địa điểm này là $15. Chi phí taxi ở Mandalay mắc hơn ở Yangon, nhưng KS rẻ hơn.

Tường thành Hoàng cung xưa ở Mandalay

Tường thành Hoàng cung xưa ở Mandalay

Chùa Kuthodaw nơi trưng bày hơn 800 "trang" kinh Phật khắc trên đá cẩm thạch

Chùa Kuthodaw nơi trưng bày hơn 800 “trang” kinh Phật khắc trên đá cẩm thạch

Các "trang" kinh Phật bằng đá cẩm thạch, cỡ 1m vuông

Các “trang” kinh Phật bằng đá cẩm thạch, cỡ 1m vuông

Tôi thỏa thuận giá với cậu thanh niên chạy taxi luôn cho chuyến đi chơi chiều và chuyến ra sân bay ngày mai. Có vẻ cậu nói giá rất sát nên tôi trả mãi chẳng được, đến KS cậu thả xuống nhưng chẳng buồn thương lượng thêm để chốt giá, nên tôi đành nhượng bộ. Giá đi chơi chiều ghé chùa Phật nằm rồi đi ngắm hoàng hôn ở cầu U-bein, cộng với chuyến đưa ra sân bay quốc tế Mandalay là $35 tất cả.

Về đến KS, chúng tôi đi bộ kiếm quán ăn, may quá đi một đoạn ngắn thấy có quán ăn Tàu, ghé vào ăn, ngon và giá OK, có wifi miễn phí nữa. Ăn xong, về ngủ trưa tránh nắng.

4 giờ chiều y hẹn với taxi, chúng tôi xuống đã thấy cậu tài xế ngồi chờ. Tôi bảo cậu chở tôi đi đổi tiền, đổi thêm $100 để dư dả tiêu xài, mua sắm. Rồi ghé chùa Mahamuni, lê lết mua sắm rồi chụp hình… đến khi thấy mặt trời đỏ hỏn lơ lửng thì rời chùa để đi đến cầu U-bein.

Hoàng hôn ở cầu U-bein nổi tiếng - Mandalay

Hoàng hôn ở cầu U-bein nổi tiếng – Mandalay

Đường cũng khá xa. Đến nơi, chao ôi đông quá là đông. Rất nhiều người đổ về đây ngắm và chụp hình hoàng hôn. Chúng tôi cũng chụp được nhiều tấm đẹp ở đây, dù chỉ là máy ảnh du lịch.

Xong, lên đường về, lại ghé quán hồi trưa để ăn một bữa ăn vừa miệng, giá cũng 6-7 đô cho 02 người. Rồi về KS dọn đồ để mai giã từ Mandalay và Myanmar.

(còn tiếp)

 

Sáng dậy, chúc Tết nhau, mừng Tết Ất Mùi đơn giản từ xa J Ăn bận đẹp, diện áo đỏ mới, diện bộ trang sức bạc mới mua, lên tầng thượng ăn sáng, chụp hình tự sướng… Rồi đi bộ ra chợ Nyaungshwe chơi, chụp hình cảnh này cảnh nọ khác với VN, lại mua sắm một mớ đá…

Chợ quê ở Nyaungshwe, còn dùng cây cân như thời năm 80s ở VN

Chợ quê ở Nyaungshwe, còn dùng cây cân như thời năm 80s ở VN

Lẽ ra hôm nay phải check-out 12 giờ trưa, nhưng lúc sáng KS đồng ý cho ở đến 7 giờ tối. Đi chơi chợ về, nghỉ ngơi, dự định sẽ thoải mái ngủ nghỉ cả chiều nay, thế nhưng… có tiếng gõ cửa phòng, cô nhân viên KS báo là có khách nên tôi phải trả phòng lúc 2 giờ chiều. OK thôi. Khỏi ngủ nghĩ nữa, vì lúc này cũng 11 giờ trưa rồi, dọn đồ đạc, rồi trả phòng sớm hơn vì cũng đói bụng rồi. Gửi hành lý lại KS, xách theo túi xách nhỏ, đi kiếm quán ăn. Quán này ăn cũng tạm, nhưng khi ăn xong, đi vệ sinh phía sau thì thấy không được vệ sinh lắm, như ở quê sâu “mút mùa”.

Còn dư thời gian, chúng tôi thuê 01 bác xe lôi đạp kéo 02 chúng tôi đi lòng vòng khu vực này, thời gian đi là 1 giờ, giá $5. Khu vực này là làng quê, cách hồ Inle rộng lớn nổi tiếng chỉ mươi km, mà họ không làm thủy lợi nên đất đai khô cằn, nhiều nhà sàn, vách bằng liếp tre.

Ngôi nhà tranh vách nứa ở vùng quê Nyaungshwe gần hồ Inle

Ngôi nhà tranh vách nứa ở vùng quê Nyaungshwe gần hồ Inle

Đi xong, về lại KS ngồi chơi xơi nước mấy tiếng đồng hồ. Coi như một năm an nhàn vì hôm nay mùng một, khá an nhàn.

Xe trung chuyển hẹn đến đón lúc 7h30 tối, vì 8 giờ xe chạy. Ngồi chờ, bên kia cũng có 02 mẹ con người Tây cũng ngồi chờ, nghe mang máng là cũng đi Mandalay giống mình, nên tôi qua bắt chuyện. Hóa ra là bạn đồng hành, sẽ ngồi hàng ghế ngay sau lưng tôi. Đợi đến 7h30 chẳng thấy xe đâu, bắt đầu sốt ruột, nhờ tiếp tân KS gọi điện mấy lần… Cuối cùng xe cũng đến đón, là hơn 8 giờ rồi. Chỉ sợ bị xe bỏ lại thì toi. Đến nơi, chỉ có 01 chiếc xe JJExpress đậu, khách rải rác. Lên xe, chờ tiếp. Kệ, chờ đến khi nào cũng được. Đi xe JJExpress rất OK. Cô tiếp viên cho mình chọn món ăn (có 04 món trong danh sách), rồi chẳng thấy phát đồ ăn. Hóa ra, khi đến trạm đầu tiên (khoảng 9-10 giờ tối), là nơi mình được ăn miễn phí món mình đã chọn. Tôi và bạn đồng hành chọn Chinese Noodle Salat, là gì, hóa ra là mì khô (mì sợi tươi kiểu Tàu), có nước súp riêng, ăn với tí cải khô (ở Myanmar tôi thấy họ hay ăn món cải khô, món này ở VN cũng có, là món của người Tàu).

Ngủ trên xe cũng thoải mái. Xe đến bến xe Mandalay lúc hơn 4 giờ sáng. Giá taxi đi về KS ở trung tâm là $7, nhưng nếu share taxi với khách khác thì cả chuyến là $10. Chúng tôi cùng với 02 mẹ con người Đan Mạch share 1 chiếc taxi, mỗi người $2.5. KS tôi đặt ở Mandalay với giá $36 là KS ba sao, có phòng trống. Thế là vui vẻ, phấn khởi nhận phòng, và ngủ. Chất lượng phòng rất OK.

(còn tiếp)

Xe đến bến xe lúc 3 giờ sáng. Giá chuyên chở đến Nyaungshwe (chắc là thị trấn ở gần hồ Inle) đồng giá $2/người. Dạng xe lam/xe thùng TQ như ở Bagan, chở được gần chục người ngồi ở 02 băng ghế trên thùng xe.

Khi hỏi giá, tôi nghe sao không biết mà nghe ra là $20/người. Thế thì quá mắc. Thực chất tôi cũng không biết từ bến xe đến KS xa bao nhiêu. Tôi liền khều hỏi một cô Tây đang ngồi trên xe là cô đi giá bao nhiêu, cô ta nói $20 (chắc tôi nghe như thế). Cũng không còn cách nào khác, đành phải lên xe mà lòng rất không vui. Xe đi lòng vòng trả lần lượt khách vào từng KS. Đến lượt tôi là KS cuối, móc tiền ra trả, đếm 8 tờ 5000 kyats mà “lòng đau như cắt”. Tuy nhiên, người nhận tiền xua tay nói là chỉ có 4000 kyats cho 02 người mà thôi. Ôi, lòng hết đau ngay lập tức, vui phơi phới. Vui nữa là có phòng trống cho tôi (theo nguyên tắc là 12 giờ trưa tôi mới được check-in, lúc này mới 4 giờ sáng).

Vào phòng, cũng khá lạnh (10-12 độ C), mền mỏng không đủ ấm, chia ra một người đắp 02 cái mền, còn 01 người chui vào túi ngủ. Ngủ thẳng một giấc đến 9 giờ sáng.

Sáng xin nước nóng làm tô mì gói cho bạn đồng hành, còn tôi ăn linh tinh (tôi vốn không hảo mì gói), rồi hỏi đường đi Hồ Inle (đọc là In-li). Được chỉ là đi bộ chút sẽ đến bến thuyền. Đi bộ hoài chẳng thấy bến thuyền đâu, bèn quyết định đi xe lôi đạp. Xe lôi đạp bên này có cái thùng cho 02 người ngồi ở bên phải chiếc xe đạp. Phía sau xe đạp có cái yên gỗ to to nữa, nên chở tối đa được 03 người + 01 người đạp. Mỗi người 1 đô, đạp cũng gần 1km đến bến thuyền. Một người phụ nữ chủ thuyền hét giá $25 cho ½ ngày, tôi đã hỏi giá trước, trả 1 tiếng $15, cô ấy trả lên trả xuống, tôi nói là tôi đã biết giá, và giá tôi đưa là rộng rãi, nên tôi sẽ không thương lượng nữa đâu, cuối cùng cũng chốt giá $15 (thật ra nếu tôi thích trả giá và kiên nhẫn trả thì cũng có thể có giá $10, nhưng tôi thấy giá này đã OK nên không trả sát quá).

Thuyền nhỏ, có 02 cái ghế, 02 áo phao cũng là nệm dựa lưng, và 02 nệm ngồi. Có 02 cái dù nhưng khi tôi giương dù lên thì gió bẻ quặp dù nên không dùng nữa. Gió mát lạnh, trong cái nắng nhưng vẫn sảng khoái. Nhiều chim trên hồ, chúng dạn dĩ vì đã quen người rồi.

Bác lái thuyền rất hiền. Đưa chúng tôi đi theo yêu cầu. Tiếc là không xem được chợ vì đã trễ. Đi xem người ta dệt khăn từ tơ của cây sen. Mất rất nhiều thời gian và công sức để dệt nên một cái khăn bằng tơ sen. Một cái khăn ngang chừng 2 tấc, dài chừng 8 tấc, 100% tơ sen, giá $120, màu cháo lòng. Nếu mua dùng, người ta không biết tưởng mình ở dơ dùng cái khăn ngả màu cháo lòng 🙂 Tôi mua ở đây 1 cái áo Myanmar màu đỏ giá khoảng 8-10 đô gì đó. Sáng mùng 1 bận điệu đà nhìn cũng rất đẹp. Mang về VN giặt ra màu quá chừng, xuống sắc ngay.

Nhà sàn trên hồ Inle

Nhà sàn trên hồ Inle

Rồi đến chỗ bán đồ trang sức bạc, đá. Chỗ này tôi mua quá chừng, trả giá 50% vẫn có thể bị hớ. Rốt cuộc tôi mua ở đây khoảng $150. Có thể bị hớ giá, nhưng mua được cái mình thích với mức giá mình OK là được rồi, vì đi chỗ khác biết có tìm được thứ như thế? Khi mang về VN cho mọi người xem thì mọi người nói không hớ đâu, vì bạc ở Myanmar đẹp hơn bạc ở VN.

Rồi đi xem người dân tộc cổ dài. Thật ra không phải đến làng của họ đâu, mà là một nhà sàn bán đồ lưu niệm, họ mang về vài người cổ dài để cho du khách xem và chụp hình, nhưng họ bán mắc quá nên tôi không mua gì ở đây.

Người cổ dài (Kayan) được mang về "triển lãm" ở đây

Người cổ dài (Kayan) được mang về “triển lãm” ở đây

Về đến KS cũng khoảng 2 giờ chiều. Chuyến đi tổng cộng cũng 4-5 giờ. Mệt, ngủ chút rồi kéo nhau đi kiếm quán ăn. Đi bộ chút thì thấy một quán ăn Dim Sum, ghé vào ăn cũng OK, giá cả cũng OK, khoảng dưới 10 đô cho 02 người, ăn nhiều món.

Ăn xong, về KS ngủ nghỉ, đến tối cũng lười ra ngoài nên nghỉ luôn trong phòng. Chẳng đón giao thừa vì không thức nổi.

(còn tiếp)

Bagan thú vị hay không tùy “khẩu vị” của từng người. Đối với tôi thì nó không thú vị.

5 giờ sáng đến bến xe, đi taxi vào khu thị trấn Nyaung-U $5/người. Đến KS (đã đặt và trả tiền qua Agoda) lúc 5 giờ hơn, không có phòng, lạnh! Ngồi vất vưởng chờ sáng. Hơn 6 giờ sáng tôi hỏi KS kêu dùm tôi chiếc xe ngựa đi khám phá Bagan, giá $25/ngày.

Vì cả đêm ngủ chập chờn trên xe, đến KS lại không có phòng, nên cũng mệt. Đi xe ngựa “cỡi ngựa xem hoa” khu Bagan chừng 3 tiếng đồng hồ là chán rồi, nhờ anh chàng phu xe gọi điện hỏi KS có phòng chưa, nếu có thì về nghỉ. Khoảng 9-10 giờ về KS nghỉ, kết thúc không dùng dịch vụ xe ngựa nữa, vẫn trả nguyên $25 cho anh chàng. Hôm nay anh chàng được cú hời rồi.

Đến Bagan bạn phải đóng $20/người phí vào Bagan Zone. Anh chàng taxi chở tôi từ bến xe bus vào Bagan có chạy ngang quầy thu tiền nhưng anh ấy nói gì đó rồi chạy luôn. Rồi cuối cùng cũng chẳng ai thu tiền của tôi, coi như hên được $40. Khoản tiền “hên” này để trả rộng rãi trực tiếp cho người dân ở Bagan còn được hơn đóng cho chính phủ – tôi nghĩ vậy.

Ngôi đền tại Bagan

Ngôi đền Thatbyinnyu tại Bagan

Đến Bagan có ghé ngôi chùa nhỏ Bu Paya ở sát dòng sông Ayeyarwady nổi tiếng, ngắm dòng sông, thuyền du lịch đậu trên sông… mát mắt. Nếu có thời gian có thể mua vé thuyền lớn tuyến Bagan – Mandalay chạy trên con sông này.

Đoàn chú tiểu đi khất thực buổi sáng ở Bagan

Đoàn chú tiểu đi khất thực buổi sáng ở Bagan

Về KS, tắm rửa nghỉ ngơi. KS đặt $31/đêm mà tệ như nhà nghỉ ở VN. Giường ẩm ướt, nệm mền dơ. Tôi phải chui vào túi ngủ cho sạch. Cúp điện một lúc, rồi KS mới chạy máy phát một khúc.

Trưa xế đói bụng tôi một mình mò ra phố, vì bạn đồng hành mệt. Cũng có quán ăn, ăn cũng OK. Cũng vài đô cho 01 bữa ăn, ăn không hết gói mang về. Mua 01 trái táo (bom) hết 14.000 đồng – mắc! Táo bên này mắc.

5 giờ chiều chuẩn bị đồ đạc lên đường. Nhà xe hẹn 6 giờ đến đón. Xe trung chuyển bên này như chiếc xe lam, nhưng mà là xe TQ bây giờ. Họ đi rước khách lòng vòng rồi chở ra bến xe để lên xe lớn 45 chỗ. Xe này mỗi hàng 4 ghế như xe ở VN. Cũng OK. Mỗi người 01 chai nước uống, 01 khăn lạnh. 7 giờ tối xe chạy, hành trình Bagan – Inle Lake bắt đầu. Đường đồi núi, ắt hẳn rất đẹp (vì đi buổi tối tôi có thấy gì đâu). Xe chạy lượn đèo cua gấp, nhiều lúc đuôi xe đứng yên mà đầu xe cua vòng ngoạn mục. Nếu có thời gian, đi xe ban ngày cung đường này chắc đẹp lắm nè!

(còn tiếp)

Xem cũng nhiều, giữ sức “chạy đường trường” nên sáng này nằm nhà nghỉ ngơi, vì đến trưa phải trả phòng, lê la ngoài phố chờ tối. KS không còn phòng nên 12 giờ phải trả phòng, gửi hành lý lại KS, còn ta tung tăng giết thời gian. Qua ăn trưa ở quán dễ thương bên đường.

Quán ăn dễ thương ở Yangon

Quán ăn dễ thương ở Yangon

Buôn bán lề đường ở Yangon

Buôn bán lề đường ở Yangon

Bồ câu đậu đầy ở Yangon

Bồ câu đậu đầy ở Yangon

Rồi vào siêu thị trốn nắng, ngắm người qua lại. Bên đó họ rất thích mang dép kẹp. Đàn ông bận longi, đi dép kẹp, giắt ĐTDĐ vào thắt lưng (vào longi), nếu ở VN chắc bị rủi ro bị giựt ĐTDĐ cao. Các anh bảo vệ bận đồng phục, bận quần, nhưng cũng mang dép kẹp. Đến 4 giờ chiều quay lại KS, đi đổi tiền, rồi đi taxi ra bến xe để đi xe đêm JJExpress đến Bagan. Bến xe này cũng xa trung tâm, đi 7 đô, mất cũng 45 phút chạy xe.

Tôi có 01 tờ 100 Euro bị rách nhẹ 02 cạnh, đổi mãi chẳng được ở vài quầy đổi tiền ở vài sân bay. Đến chỗ này (Yangon) tôi đã đổi $100 với một cậu bé dễ thương, tám với cậu linh tinh, rồi đi. Đi vài bước, bạn tôi nói sao không quay lại đổi thử tờ Euro rách? Tôi quay lại, chìa tờ Euro và nói với cậu rằng tờ của chị bị rách chút thế này, em coi có đổi được dùm chị không, chị chấp nhận tỷ giá thấp hơn tí. Thế là cậu đổi cho tôi, chỉ thiệt mất 12.000 đồng VN cho tờ này. Nhẹ gánh.

Bến xe hỗn loạn, dân dã. Từng hãng có từng nhà xe như ở đường Lê Hồng Phong của Tp.HCM. Đến JJExpress đưa vé điện tử (in ra) cho họ xem, họ đánh số hành lý gửi, rồi ngồi chờ, được mời nhiều chập café sữa nóng. Mua vài trái táo, quýt để ăn có chất tươi. Xin nước nóng làm gói mì gói chống đói. Lịch đi của tôi căng, không ở lâu ở một chỗ, nên tôi mua vé xe bus đêm 03 chuyến trên mạng cả (www.myanmarbusticket.com), mua trên đây giá mắc hơn 4 đô/vé, lại mất phí xử lý thanh toán online $5/giao dịch, nhưng đảm bảo có vé vì mua trước sớm. Nếu đến nơi mới mua vé ở đại lý thì có khi cũng bị hét giá, đặc biệt khi mua ở KS sẽ bị hét giá. Có bà Tây nói với tôi là bạn bà ấy mua vé ở KS phải trả $25 cho 01 cái vé giá gốc là $11.

Bến xe ở Yangon đi Bagan

Bến xe ở Yangon đi Bagan

8 giờ tối lên xe, xe chất lượng cao, hàng ngang có 3 ghế: 1 bên là 2 ghế, 1 bên là 1 ghế, lối đi chính giữa, gồm 10 hàng ghế, hàng cuối 4 ghế, chỉ bán 1, còn 3 dành cho tài xế ngủ đổi tài.

Xe chạy, có tiếp viên phục vụ nước uống nóng/lạnh, khăn lạnh phát khi đánh thức mọi người xuống trạm dừng đầu tiên. Chuyến đi 9-10 giờ trên xe, dừng chân đôi ba lần để mọi người “thư giãn”, đến bến xe ở Bagan lúc khoảng 5 giờ sáng.

(còn tiếp)

 

Ăn sáng ở KS xong, bắt đầu ngày khám phá Yangon. Nhìn trên bản đồ thì thấy các điểm định đến là gần, nhưng đi hoài chẳng thấy đến, bèn đi taxi, thỏa thuận giá cũng chừng 2-3 đô/chuyến, nhưng thấy họ chạy cũng “mút mùa”.

Điểm đến đầu tiên là chùa Botahtaung nơi có cất giữ sợi tóc của Đức Phật Như Lai. Người nước ngoài phải mua vé $3/người. Để giày, vớ ở phòng vé. Đi chân không vào chùa (vớ cũng không được mang). Xếp hàng vào chiêm ngưỡng sợi tóc Phật, nhưng nói thật, cũng đâu nhìn thấy sợi tóc, chỉ nhìn thấy vật chứa sợi tóc. Chùa này có kiến trúc rất lạ. Đi lòng vòng xem bên ngoài sân chùa, thấy họ bán dừa và chuối cúng Phật, có những trái dừa họ sơn một lớp màu vàng (không rõ có vàng thật không).

Vòm chùa Bohtataung nơi cất giữ sợi tóc Phật

Vòm chùa Bohtataung nơi cất giữ sợi tóc Phật

Đây là nơi lưu giữ sợi tóc Phật

Đây là nơi lưu giữ sợi tóc Phật

Dừa sơn màu vàng để cúng Phật

Dừa sơn màu vàng để cúng Phật

Xong rồi đi taxi ngang qua chùa Sule nhưng không vào mà đi thẳng đến chợ Bogyoke (Scott Market) cũng ở gần đó. Chao ôi, vô vàn đá, đồ lưu niệm, đồ trang sức… Tôi chẳng rành về đá, nên mua hớ hay không cũng chẳng biết. Chỉ biết là vô cùng khó để kiềm lòng chi tiêu ở đây. Tôi vốn ít mua đồ khi đi du lịch, nhưng vào đây thì tôi thấy tôi… biến chất trở nên rộng tay hồi nào không hay. Tổng cộng vài giờ dạo chợ này, mua một mớ đá nho nhỏ xinh xinh đã tốn khoảng $200. Thôi chắc phải rời khỏi nơi cám dỗ này mới bảo toàn… túi tiền.

Trưa rồi, về nhà hàng xinh xắn ở gần KS để ăn trưa. Nhà hàng sạch sẽ, dễ thương, giá cả OK. Hai người ăn vài món đủ no, đủ hài lòng, uống 01 chai nước 01 lít, tất cả chỉ 6-7 đô. Xong, về KS nghỉ trưa tránh nắng. Nhiệt độ ở Yangon buổi trưa nắng khoảng 25-30 độ (không dưới cái nắng trực tiếp), sáng sớm và tối se se lạnh.

Chiều đi taxi đi chùa Shwedagon nổi tiếng ở Yangon. Giá vé vào tham quan cho người nước ngoài là $8/người (người Myanmar thì miễn phí). Chùa này cực rộng và đẹp, rất đông người tham quan. Có nhiều đoàn người có đeo bảng tên, dàn hàng ngang cầm chổi quét sân gạch men. Đa số các chùa ở Myanmar đều có lối vào dài, leo cao lên, có mái che, và dọc theo đường đi là các quầy bán hàng lưu niệm, hoa cúng Phật. Tham quan và ngồi chơi ở chùa Shwedagon khá lâu, đến khi mặt trời bắt đầu lặn. Đi taxi về KS, lại ăn ở quán bình dân kế bên, cũng 3-4 đô cho 02 người. Rồi dạo phố buổi tối ở gần đó. Người đông tụ tập ăn uống các quán vỉa hè như ở Sài Gòn.

Chùa Shwedagon - Yangon

Chùa Shwedagon – Yangon

(Còn tiếp)

Từ khi Myanmar miễn visa cho người Việt Nam cuối tháng 10/2013 thì tôi thỉnh thoảng cũng muốn đi Myanmar vì chưa đi. Bạn bè nhiều người đi về bảo “đi đi, Myanmar còn mới phát triển du lịch, còn giống cô gái quê còn đậm chất quê, chứ để lâu cô gái quê trở nên sành sỏi chốn thị thành thì chẳng còn gì thú vị”… thế rồi cũng quyết định mua vé máy bay trước cả gần 3 tháng trời, để lên đường dịp nghỉ Tết Ất Mùi dài ngày.

Chuyến đi bụi Myanmar của tôi cùng một người bạn – hai phụ nữ hàng bốn – từ ngày 14/02/2015 đến 21/02/2015 (về đến Bangkok) và 22/02/2015 (về đến Tp.HCM), đi qua 04 điểm du lịch có tiếng ở Myanmar là Yangon, Bagan, Inle Lake, và Mandalay. Tổng chi phí (chưa tính tiền mua đồ lưu niệm, quà tặng) khoảng 16 triệu đồng/người. Không mắc.

Về nhà rồi một số bạn cũng muốn đi Myanmar có liên lạc để hỏi kinh nghiệm đi, thấy lịch các bạn định đi vào tháng 4, 6… lúc đó là mùa nóng, nhiều nước rất nóng, trong đó có Myanmar. Nóng quá làm ta mất sức, chẳng đi nhiều nổi, chẳng tận hưởng nổi. Mùa du lịch “khỏe” nhất là tháng 11 đến 2 hàng năm, khí hậu mát mẻ, lạnh (thì có đồ chống lạnh), cái phiền trong mùa này là chi phí du lịch cao vì đó là mùa cao điểm du lịch.

Hành trình như sau:

Ngày 1: 14/02/2015 – Mất cả ngày để từ Tp.HCM sang Yangon

Bay chuyến bay sáng 9:45 sang Bangkok, quá cảnh Bangkok khoảng 05 giờ. Đi quá cảnh, không ra khỏi sân bay. Tận hưởng mấy giờ đồng hồ ở sân bay Don Muong để ăn trưa (mì Thái), trái cây, café (chẳng ngon), và shopping (window shopping là chính).

4 giờ chiều lại bay tiếp sang Yangon. Giờ Myanmar trễ hơn giờ VN 30 phút, tức nếu giờ VN là 8 giờ sáng thì giờ Myanmar là 7h30 sáng. Đến sân bay quốc tế Yangon là 5 giờ chiều. Sân bay Yangon chào đón chúng tôi bằng sự kiện… cúp điện. Trong những ngày ở Myanmar tôi thấy điện cúp hoài hoài, KS chạy máy phát điện là chuyện thường tình.

Chi phí vé máy bay từ Tp.HCM đến Yangon (02 chuyến) của Air Asia là khoảng $200/người.

Không có hành lý ký gửi, đi bụi mà, mỗi người một cái vali kéo nhỏ và 1 túi xách đeo trên người. Thế thôi. Thủ tục hải quan nhanh chóng.

Sân bay quốc tế Yangon

Sân bay quốc tế Yangon

Ra cổng có quầy taxi, đưa tờ thông tin khách sạn ở trung tâm, cũng xa, mất gần cả giờ chạy. Chỉ 8 đô. Bác tài taxi rất dễ thương, hiền lành. Tôi thấy ở Myanmar hầu như ai cũng hiền lành, không có tình trạng chụp giựt hay lừa du khách, dù mấy chỗ bán đồ lưu niệm, đá, bạc… có nói thách trên trời. Rút kinh nghiệm nếu bạn có qua Myanmar, mua đồ lưu niệm, đá, bạc… nên trả giá 25% giá người bán nêu.

Về đến KS ở khu du lịch balo, $44/đêm, nhưng phòng nhỏ, hầu như không có tiện nghi gì khác ngoài những cái cơ bản của một phòng KS (giường, bàn, tủ lạnh, máy lạnh, toilet). Check-in xong cũng gần 7 giờ tối, đến lúc phải mò ra đường kiếm ăn thôi.

Cách KS vài căn là có quán ăn bình dân, ghé vô ăn luôn, cũng có thực đơn tiếng Anh, và có 01 nhân viên nói tiếng Anh được. Gọi đơn giản cơm trắng ăn với canh, gỏi đu đủ kiểu Thái (ăn chay), 1 lon nước ngọt. Tổng bữa ăn no và OK cho 02 người chưa đến $4.

Bữa cơm đơn giản cho 02 người giá 3-4 đô

Bữa cơm đơn giản cho 02 người giá 3-4 đô

Ăn rồi dạo phố chút, vô siêu thị gần đó mua được cái túi nho nhỏ dễ thương ngộ ngộ giá $2. Xung quanh khu này họ buôn bán chủ yếu là đồ ăn, các quán lề đường, xe bán hàng đậu lề đường… rất đông. Dạo mỏi chân, mua linh tinh vài thứ trái cây để có chất tươi cho sức khỏe, giá cả cũng rất dễ chịu – ngang ngang hay thấp hơn giá ở Sài Gòn chút đỉnh, rồi về KS nghỉ. Kết thúc một ngày.

(còn tiếp)